CÙNG TẠO THÓI QUEN ĐỌC BẢNG THÀNH PHẦN (P.4)
Kem chống nắng là sản phẩm đã quá phổ biến với ti tỉ thương hiệu đang bán trên thị trường, khiến nhiều người bối rối khi lựa chọn kem chống nắng an toàn cho bản thân. Bài viết trước, nhà Natonic đã chia sẻ cách phân biệt kem chống nắng hóa học và vật lý cũng như ưu nhược điểm của từng loại, các bạn có thể xem lại ở đây https://www.facebook.com/natonicvietnam/posts/2046018662219847
Bài viết hôm nay, chúng mình sẽ giúp bạn mổ xẻ thành phần thường được tìm thấy trong kem chống nắng hóa học nhé.
Các thành phần thường được sử dụng để lọc tia UV trong kem chống nắng là oxybenzone, homosalate, octinoxate, octisalate, octocrylene và avobenzone. Các chất này đều được hấp thụ vào cơ thể sau một lần sử dụng (Matta 2019, Matta 2020). Theo các nghiên cứu được FDA công bố, chúng có thể được phát hiện trên da và trong máu thậm chí nhiều tuần sau khi không còn được sử dụng nữa (Matta 2020). Các nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện nhiều thành phần chống nắng tồn tại trong cả sữa mẹ và các mẫu nước tiểu (Schlumpf 2008, Schlumpf 2010).
Mặc dù tất cả các các nhà khoa học đều đồng ý là các chất này đều sẽ gây hại với một tỷ lệ nhất định, tuy nhiên lại có một sự khác biệt rất lớn về tiêu chuẩn an toàn giữa Ủy ban Châu Âu và Mỹ. Trong khi Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất giới hạn nồng độ 2,2% đối với oxybenzone và 1,4% đối với homosalate, thì các nhà sản xuất kem chống nắng của Mỹ đang được phép hợp pháp sử dụng hai hóa chất này với nồng độ tương ứng lên đến 6% và 15%, và hàng trăm loại kem chống nắng được sản xuất tại Mỹ và các quốc gia khác sử dụng những thành phần này ở nồng độ vượt xa khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu.
OXYBENZONE
Theo nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi, hoạt chất chống nắng đáng lo ngại nhất là oxybenzone. Nó dễ dàng hấp thụ qua da (Matta 2019, Matta 2020) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã tìm thấy nó ở gần như tất cả người Mỹ, với mức độ cao hơn ở những người bôi kem chống nắng (Zamoiski 2016). Oxybenzone gây ra các phản ứng dị ứng trên da (Rodriguez 2006), và là một chất gây rối loạn nội tiết tố trong nhiều nghiên cứu (Krause 2012, Ghazipura 2017), có khả năng gây hại nhiều hơn cho trẻ em (FDA 2019).
Trong một đánh giá về dữ liệu phơi nhiễm do CDC thu thập đối với trẻ em Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé trai vị thành niên có số đo oxybenzone cao hơn thì có tổng mức testosterone thấp hơn đáng kể (Scinicariello 2016). Bốn nghiên cứu được công bố vào năm 2020, sau khi FDA công bố dự thảo đề xuất của mình, ủng hộ những phát hiện trước đó rằng oxybenzone có thể gây rối loạn nội tiết tố, làm tăng nguy cơ ung thư vú và lạc nội mạc tử cung (Kariagina 2020, Peinado 2020, Rooney 2020, Santamaria 2020). Ngoài ra, Chương trình Độc chất học Quốc gia Mỹ (NTP) đã tìm thấy bằng chứng tương đương về khả năng gây ung thư ở chuột sau khi quan sát thấy sự gia tăng khối u tuyến giáp và tăng sản tử cung ở những con chuột cái tiếp xúc nhiều với oxybenzone (NTP 2020).
OCTINOXATE (OCTYL METHOXYCINNAMATE)
Octinoxate, còn được gọi là Octyl Methoxycinnamate hoặc OMC, có chức năng lọc tia UV, dễ dàng hấp thụ qua da sau khi thoa kem chống nắng. Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng hóa chất này có ảnh hưởng đến hormone trong hệ thống trao đổi chất và ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tuyến giáp (Seidlova-Wuttke 2006). Octinoxate cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với tia cực tím (Rodriguez 2006). Tránh tuyệt đối Octinoxate khi đang mang thai vì tiếp xúc hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi và sinh sản đối với con cái [3].
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ hiện cấm bán hoặc sử dụng kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate vì chúng có thể gây độc cho môi trường nước và làm c.h.ế.t san hô.
HOMOSALATE
Homosalate là một bộ lọc UV hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong kem chống nắng của Hoa Kỳ. FDA (Mỹ) đã đề xuất rằng không có đủ dữ liệu để đánh giá liệu việc sử dụng Homosalate trong kem chống nắng có an toàn và hiệu quả hay không. Homosalate đã được phát hiện xâm nhập vào da, phá vỡ nội tiết tố và tạo ra các sản phẩm phụ phân hủy độc hại theo thời gian (Krause 2012, Sarveiya 2004, SCCNFP 2006, Matta 2020).
Một ý kiến gần đây từ Ủy ban Châu Âu cho rằng Homosalate không an toàn khi sử dụng ở nồng độ lên đến 10% và khuyến nghị nồng độ tối đa chỉ nên là 1,4%, vì lo ngại về khả năng gây rối loạn nội tiết tố (SCCS 2020). Trong khi đó FDA (Mỹ) lại cho phép các nhà sản xuất kem chống nắng của Mỹ sử dụng nó với nồng độ lên đến 15%
Nhà Natonic sẽ chia sẻ tiếp về các chất khác trong bài viết sau, các bạn theo dõi và đón đọc nhé!