CÙNG TẠO THÓI QUEN ĐỌC BẢNG THÀNH PHẦN (P.2)
Dầu mỏ được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp, từ sản xuất xăng dầu, nhựa đường đến phân bón, thuốc trừ sâu… và chắc chắn rồi, nó hiện diện ở cả các sản phẩm chăm sóc cơ thể: dầu gội, dầu xả, kem dưỡng da, xà phòng công nghiệp, serum, kem đánh răng v.v… thậm chí là trong thực phẩm. Hôm nay nhà Natonic sẽ chia sẻ về các chất được sản xuất từ dầu mỏ có nguy cơ gây UNG THƯ, rất thường xuyên được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
POLYETHYLENE GLYCOL (PEG)
Polyethylene Glycol (PEG) được sản xuất từ dầu mỏ, là chất phụ gia thường được dùng trong dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm, đóng vai trò như dung môi, chất làm dẻo, chất hoạt động bề mặt hoặc chất làm đặc… [1]
Bản thân PEG không phải là một chất độc hại, tuy nhiên quá trình sản xuất PEG lại sinh ra một sản phẩm phụ là 1,4-dioxane và PEG rất dễ bị nhiễm độc bởi 1,4-dioxane trong quá trình này, vốn lại là một chất có khả năng gây ung thư. Khi kiểm tra bảng thành phần, ngoài PEG các bạn cũng có thể tìm các tên gọi khác như “Polyethylene”, “Polyoxyethylene” hoặc trong tên hóa chất có chữ “-eth-“, “-oxynol-“. [2]
MINERAL OIL/PARAFIN OIL/PETROLEUM JELLY/PETROLATUM
Các chất trên đều có nguồn gốc từ dầu mỏ, là sản phẩm phụ của quá trình lọc hóa dầu (sau đây gọi chung là Petrolatum). Với nhiệt độ nóng chảy gần với nhiệt độ cơ thể (38oC), Petrolatum sẽ mềm ra khi thoa lên da và tạo thành một lớp màng chống thấm nước. Lớp màng này là một rào cản hiệu quả chống lại sự bay hơi, khiến da được giữ ẩm và căng mượt, đồng thời ngăn cản các phần tử hoặc vi sinh vật lạ có thể xâm nhập gây nhiễm trùng. [3] Petrolatum không mùi, không màu và có thời hạn sử dụng lâu dài. Những đặc điểm này làm cho Petrolatum trở thành một thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm.
Tương tự như trường hợp của PEG ở phía trên, khi được tinh chế tốt, bản thân Petrolatum không gây ra các vấn đề sức khỏe nào, tuy nhiên, với lịch sử tinh chế chưa hoàn thiện, Petrolatum hoàn toàn có thể bị ô nhiễm bởi các hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) trong quá trình sản xuất. [4] Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) liệt kê 14 PAHs là chất có khả năng gây ung thư và 1 PAH là chất gây ung thư.[5]
Không có cách nào để xác định việc điều chế Petrolatum là sạch hoàn toàn, vì thế chúng ta nên tránh sử dụng các sản phẩm có Petrolatum, trừ khi các nhà sản xuất công bố họ sử dụng Petrolatum tinh chế hoàn thiện, được gọi là “white petrolatum” (công bố trên website hoặc bao bì của sản phẩm)
Liên minh Châu Âu quy định rằng đối với việc sử dụng mỹ phẩm, lịch sử tinh chế đầy đủ của Petrolatum phải được công khai và chứng minh là không gây ung thư. Mỹ và nhiều quốc gia khác lại không đặt ra yêu cầu nào về việc tinh chế và hàm lượng PAHs trong Petrolatum được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. [6]
Ngoài lề một xíu, các mẹ bầu nên tránh xa việc tiếp xúc với xăng và khí thải xe, vì dựa theo một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Na Uy trên 113.754 trẻ sơ sinh, việc tiếp xúc với benzene có trong xăng sẽ làm tăng đáng kể khả năng gây bệnh ung thư bạch cầu (Leukemia) ở trẻ. [7]